Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 56/2022/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với quy mô đầu tư có chiều dài 112,8 km, gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, đi qua địa phận TP Hà Nội (58,2km); Hưng Yên (19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6 km) và tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua quận Hà Đông có tổng chiều dài khoảng 5,5km
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương giữa Hà Nội với các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư tạo không gian phát triển mới, giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra còn giúp đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch dọc tuyến đường vành đai 4.
Theo Nghị quyết số 56/2022/QH15, Dự án đường Vành đai 4 chia thành 07 dự án thành phần chia làm 03 nhóm: Nhóm dự án thành phần thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (03 dự án thành phần); nhóm dự án thành phần thực hiện đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) (03 dự án thành phần); dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư. Dự án được áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.
Theo đó, Dự án sẽ giải phóng mặt bằng dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Đầu tư theo quy mô 6 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; đầu tư xây dựng đường song hành 2 bên và hành lang bố trí cây xanh. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 1.341ha, trong đó, đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư (đất ở) khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch. Tổng mức đầu tư của dự án là 85.813 tỉ đồng. Chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể: Đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh (huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh).
Thời gian thực hiện dự án chỉ có khoảng 5 năm, tiến độ rất nhanh, đòi hỏi phải được thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao của các cấp, các ngành và toàn Thành phố và sự đồng thuận, tích cực tham gia của Nhân dân các địa phương mà tuyến đường đi qua. Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô chính là “thước đo" năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và là uy tín của Thành phố. Thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội do đồng chí Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội làm Trưởng ban.
Tại quận Hà Đông, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đi qua có chiều dài khoảng 5,5km, qua địa bàn 04 phường với diện tích thu hồi khoảng 75 ha: phường Yên Nghĩa (tổng diện tích nằm trong chỉ giới đường là 35.8 ha), phường Đồng Mai (tổng diện tích nằm trong chỉ giới đường là 0.11 ha), phường Phú Lãm (tổng diện tích nằm trong chỉ giới đường là 25 ha), phường Phú Lương (tổng diện tích nằm trong chỉ giới đường là 14 ha). Ngoài đất nông nghiệp, quận còn phải giải phóng mặt bằng 9.500m2 đất ở và di chuyển khoảng 1.200 ngôi mộ.
Hà Đông là quận có tốc độ đô thị hóa cao, dân số cơ học tăng nhanh. Được sự quan tâm của Trung ương và Thành phố, Hà Đông đang thực hiện xây dựng hạ tầng đô thị gồm nhiều tuyến đường dân sinh, vì vậy việc sớm triển khai thực hiện tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua Hà Đông sẽ tạo ra nhiều thuận lợi cho giao thông, phát triển giao thương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận. Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có nhiều lợi ích thiết thực đối với quận Hà Đông, góp phần mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của quận, giảm ùn tắc giao thông tạo điều kiện giao thông dân sinh thuận lợi và từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường. Tuyến đường vành đai 4 còn giúp quận Hà Đông tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, nâng bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của quận.
Để việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sớm thực hiện đúng tiến độ và hiệu quả cần sự quyết tâm, đồng sức, đồng lòng của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân toàn quận. Xác định rõ thuận lợi, khó khăn để chủ động sớm thực hiện với lộ trình cụ thể đã đề ra; vừa bảo đảm công khai, minh bạch, đúng tiến độ dự án, vừa bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân và đúng quy định pháp luật. Các công trình giao thông trong đó có tuyến Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên diện mạo đô thị mới của Thủ đô Hà Nội cũng như quận Hà Đông trong những năm tới, đồng bộ và văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và hội nhập kinh tế thế giới, tạo động lực mới mang tính chiến lược trong phát triển Thủ đô và Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Viết bình luận