Tiếp quản Thủ đô - Những ký ức hào hùng không thể nào quên !

​Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", ngày 21/7/1954,  Hiệp định Genève được ký kết. Hà Nội và một số khu vực ở miền Bắc nước ta trở thành vùng tập kết, chuyển quân của quân đội Liên hiệp Pháp, với thời gian 80 ngày. Trong 80 ngày đó, Hà Nội chưa có hòa bình, quân và dân Thủ đô phải tiếp tục cuộc đấu tranh trong bối cảnh mới để tiến tới tiếp q

MH 51024.jpgNgày 10/10/1954, các đơn vị của Đại đoàn quân tiên phong 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưởng 

chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. 

Để chuẩn bị tốt cho việc tiếp quản Thủ đô, ngày 17/9/1954, Hội đồng Chính phủ thành lập Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội, công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật đối với bộ đội, cán bộ và nhân viên khi vào Thành phố.

Theo các Hiệp định đã ký kết tại Hội nghị Ủy ban liên hiệp đình chiến vào cuối tháng 9/1954, từ ngày mùng 2 đến ngày 5/10/1954, các đội công an, trật tự, cảnh vệ, hành chính vào Hà Nội trước để chuẩn bị nhận bàn giao các công sở, công trình lợi ích công cộng, các trụ sở quân sự của Pháp và ngụy quyền. Chiều ngày 8/10, quân Pháp làm lễ cuốn cờ tại Thành Hà Nội. Sáng ngày 9/10, bộ đội ta từ đê La Thành chia làm hai mũi tiến vào tổ chức tiếp thu các khu vực quân sự như: Quần Ngựa, Bạch Mai, Đồn Thủy, Thành Hà Nội... Địch rút đến đâu, ta tiến đến đấy, tổ chức tiếp thu theo lối “cuốn chiếu"...

Ở ngoại thành, địch rút khỏi quận lỵ Văn Điển từ ngày 6/10. Sáng ngày 9/10, các đội công tác ngoại thành cùng bộ đội vào tiếp quản 4 quận: Quảng Bá, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Quỳnh Lôi. 16 giờ ngày 9/10/1954, những lính Pháp cuối cùng rút hết sang phía Đông cầu Long Biên để rời khỏi Hà Nội.16 giờ 30 phút, Quân đội Nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát Thành phố, tiếp quản toàn bộ thành phố Hà Nội gọn gàng và trật tự. Đêm ngày 9/10, đêm hòa bình đầu tiên, Hà Nội rực rỡ trong rừng cờ hoa và niềm vui khôn xiết của Nhân dân Thủ đô.

Sáng ngày 10/10/1954, các đơn vị của Đại đoàn quân tiên phong 308 do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưởng chia làm nhiều cánh lớn, mở cuộc hành quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. 

Hàng chục vạn người Hà Nội từ trẻ tới già đều đổ xô ra đường, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, mang cờ, ảnh, hoa, tập trung ở các phố chính, hân hoan đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ chiều ngày 10/10, quân và dân Thủ đô dự lễ mừng chiến thắng tại sân Cột Cờ.

Thủ đô Hà Nội được giải phóng là một sự kiện lịch sử trọng đại, là ngày hội lớn không chỉ của các tầng lớp Nhân dân Hà Nội mà còn là niềm hạnh phúc lớn của Nhân dân cả nước; là thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp cách mạng; đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ, hy sinh nhưng oanh liệt, vẻ vang của Nhân dân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. 

Tròn 70 năm qua, dù trong chiến tranh hay hòa bình, Hà Nội vẫn luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình"; được Nhà nước 3 lần tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng".  

Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) là dịp chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử vẻ vang, bước trưởng thành và phát triển để thêm tự hào và trách nhiệm với Hà Nội; chung tay, góp sức đưa Thủ đô vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; để Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội xứng đáng là Thủ đô Anh hùng của dân tộc Việt Nam Anh hùng.

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức