Tạo đột phá và chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển thương mại, dịch vụ trên địa bàn quận Hà Đông

Năm 2022 là năm thứ 2 quận Hà Đông thực hiện Đề án số 02-ĐA/QU ngày 09/11/2020 của Quận ủy Hà Đông về “Phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; kết hợp chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế quận Hà Đông giai đoạn 2021- 2025". Tiếp nối những kết quả năm 2021, UBND quận đã ban hành Kế hoạch 84/KH-UBND  đề ra nhiều giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện Đề án số 02-ĐA/QU trên địa bàn quận năm 2022.

MH 17322 anh 1.jpg 

Quận tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống trung tâm thương mại, 

siêu thị hiện đại trên địa bàn quận.​

Theo đó, quận Hà Đông đưa ra 6 nhóm giải pháp chính nhằm cụ thể hóa nội dung, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, đảm bảo Đề án thực hiện có hiệu quả, tạo được đột phá và chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển thương mại, dịch vụ; chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế quận Hà Đông đảm bảo thúc đẩy sản xuất phát triển. 

Nhóm giải pháp thứ nhất, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Đề án, các chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nông nghiệp để các tổ chức, cá nhân trên địa bàn biết, đồng thuận thực hiện, cùng tham gia phát triển kinh tế, nhất là phát triển thương mại dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế quận theo đúng định hướng. Tổ chức tuyên truyền, vận động đổi mới phương thức, hình thức kinh doanh và nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, hành vi tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; trong đó tập trung tuyên truyền tại các chợ, cửa hàng kinh doanh trên các trục đường, phố lớn trên địa bàn.

Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm cấp quận và phường. Tổ chức đào tạo ngắn hạn nhằm truyền nghề, nâng cao tay nghề tại các làng nghề trên địa bàn nhằm bảo tồn, duy trì và phát triển nghề truyền thống. Hỗ trợ Hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc tổ chức các lớp đào tạo thiết kế mẫu sản phẩm, lớp ngoại ngữ phục vụ du lịch, tổ chức các sự kiện văn hoá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập huấn nâng cao năng lực cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và cán bộ chuyên môn của các HTX nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp; các Hội làng nghề trên địa bàn

Thứ ba, tiếp tục phát triển thương mại, dịch vụ. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mới, xây dựng lại, nâng cấp, cải tạo và mở rộng và chuyển đổi mô hình quản lý các chợ trên địa bàn; tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến phố gắn với việc xây dựng tuyến phố văn minh đô thị theo kế hoạch, phấn đấu xây dựng thêm 4 tuyến phố văn minh đô thị; áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để giải tỏa triệt để các chợ cóc, chợ tạm, tụ điểm kinh doanh tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị và không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh thương mại. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý thị trường; kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại, dịch vụ: Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo 389 quận; kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo giữa các cơ quan; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

rau an toan DM.jpg

Đẩy mạnh các vùng chuyên canh sản xuất rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.

Thứ tư, tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề. Tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống của quận, gồm Dệt lụa Vạn Phúc, Rèn Đa Sỹ, Mộc Thượng Mạo; khuyến khích phát triển các sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường; Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm tăng giá trị sản phẩm của các cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả công tác khuyến công nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất nâng cao năng suất lao động, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thứ năm, phát triển sản xuất nông nghiệp với các giải pháp đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất; Tập trung đầu tư xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, khuyến nông cho các hộ sản xuất. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mở rộng phát triển sản xuất cây vụ đông. Triển khai xây dựng, phát triển sản xuất và tiêu thụ rau, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đối với các sản phẩm sản xuất trên địa bàn quận

Thứ sáu, đẩy mạnh, nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm an toàn với các chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng sản phẩm thực phẩm an toàn trên địa bàn quận. Tổ chức công tác kiểm tra, hậu kiểm có trọng tâm, trọng điểm, lồng ghép với công tác kiểm tra, lấy mẫu giám sát và việc thanh kiểm tra chuyên ngành, đột xuất. Thông báo, công khai những sản phẩm vi phạm để người tiêu dùng biết và xử lý nghiêm những đơn vị vi phạm theo quy định của pháp luật. Duy trì các vùng sản xuất rau an toàn tập trung đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Đặc biệt, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ, dụng cụ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra ATTP của quận, phường; nhất là các dụng cụ test nhanh, thuốc thử để kiểm tra các chỉ tiêu an toàn, như: hàm lượng vi sinh vật có hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng đạm, dư lượng thuốc kháng sinh, metanol, phoocmon, phẩm màu,… nhằm kịp thời phát hiện, cảnh báo người sản xuất, người tiêu dùng. 

Bên cạnh đó, để Đề án 02 được thực hiện có hiệu quả năm 2022, quận Hà Đông cũng thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ như: ngân hàng, bảo hiểm, y tế, vận tải, kho bãi, dịch vụ đô thị (gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, bưu chính viễn thông, vệ sinh môi trường,...) nhằm tạo sự tiện lợi, đáp ứng nhu cầu của người dân, phát triển đô thị. Tiếp tục khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại trên địa bàn theo quy hoạch được duyệt, đặc biệt là tại các khu đô thị mới, khối đế của các tòa nhà cao tầng.  Thực hiện có hiệu của các đề án, chương trình của Thành phố về phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; phát triển công nghiệp trên địa bàn, như: kế hoạch phát triển thương mại điện tử, kế hoạch phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, kế hoạch phát triển thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững...

 

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức