Tạo chuyển biến mạnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí

UBND quận Hà Đông vừa ban hành Kế hoạch số 39/KH-UBND, ngày 02/02/2023 thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2023.

MH PCTN 2023.jpg

Theo đó, trong năm 2023, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn quận tiếp tục xác định việc thực hiện công tác PCTN là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng, thường xuyên, lâu dài, là một trong các tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; gắn PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025".

Theo đó, quận tiếp tục đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả công tác PCTN.

Một là, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt trong quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức cán bộ… Xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn chế độ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo sự thống nhất, chặt chẽ, xuyên suốt để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ làm cơ sở thực hiện hiệu quả các lĩnh vực quản lý Nhà nước, đặc biệt là công tác PCTN.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng để nâng cao sự hiểu biết, ý thức pháp luật trong cán bộ và Nhân dân. Mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và tình hình nhiệm vụ tại cơ quan, tổ chức, địa phương, đảm bảo hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung PCTN vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Ba là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành, thực hiện các quy định về PCTN tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng, vi phạm tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý.

Bốn là, thực hiện công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng xây dựng và thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc đạo đức kinh doanh; quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, căn cứ vào quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình; thực hiện quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, kiểm soát xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng.

Năm là, thực hiện nghiêm công tác kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập để phòng ngừa tham nhũng.

Sáu là, tăng cưòng công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra phát hiện và xử lý tham nhũng. Tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, thiếu trách nhiệm gây lãng phí tài sản nhà nước. Kịp thời thanh tra, kiểm tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; thu hồi tài sản tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng cường phối hợp với cơ quan Đảng, cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý hành vi tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; thực hiện chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để xử lý đối với các hành vi, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm, đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Tập trung giải quyết kịp thời các vụ việc tố cáo hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền, thông tin phản ánh tố cáo về tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời với việc kịp thời biểu dương, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng theo quy định.

Bảy là, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên nâng cao vai trò phản biện, giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN; phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về PCTN, tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tạo điều kiện và phát huy vai trò của cơ quan thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh và truyền hình trong công tác PCTN. Các cơ quan thông tin truyền thông có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng. Tăng cường hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để PCTN, tiêu cực, lãng phí.

Tám là, tăng cường quản lý Nhà nước về PCTN. Các phòng ban, đơn vị, UBND các phường chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về PCTN, trong đó chủ động nắm bắt tình hình và chỉ đạo thực hiện đối với công tác PCTN ở địa phương, xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp hành động đồng bộ; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN sáng tạo và đánh giá hiệu quả tác động của hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến về PCTN; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện thanh tra, kiểm tra, kê khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác; thực hiện tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng theo quy định…

Chín là, tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế và đối thoại về PCTN theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ. Thực hiện trách nhiệm, nguyên tắc chung về hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, xây dựng chính sách, trao đổi thông tin, kinh nghiệm…trong PCTN kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng, đảm bảo kịp thời, đúng quy định.

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức