Quận Hà Đông triển khai công tác đảm bảo An toàn thực phẩm năm 2021

​Nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm (ATTP) từ quận đến cơ sở, thiết lập và phát huy hiệu quả kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, UBND quận Hà Đông vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm An toàn thực phẩm năm 2021.

TP Ktra ATTP tai quan Ha Dong MH9121.jpg

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại quận Hà Đông.

Theo kế hoạch, quận phấn đấu có 90% người sản xuất, người kinh doanh thực phẩm và 85% người tiêu dùng có hiểu biết đúng và thực hành đúng về ATTP. 100% cán bộ làm công tác ATTP cấp quận và các phường được cập nhật kiến thức về quản lý, chuyên môn kỹ thuật ATTP. 85% người chăn nuôi, trồng trọt thực hành đúng về sử dụng thức ăn chăn nuôi, phân bón và hóa chất bảo vệ thực vật. 60% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra, trong đó 85% đạt yêu cầu về ATTP. 100% phường xử lý vi phạm hành chính đúng quy định của pháp luật về ATTP và công khai trên phương tiện thông tin các cơ sở tái vi phạm, vi phạm nghiêm trọng. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thuộc diện cấp, được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP ngành Y tế đạt 90%; ngành Nông nghiệp quản lý đạt 90%. 100% các bếp ăn tập thể; 80% các cơ sở dịch vụ ăn uống không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 70% các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo ATTP. 95% lượng hàng hóa thực phẩm lưu thông trên địa bàn quận đảm bảo ATTP. 100% các cơ sở sản xuất, sơ chế rau an toàn, các cơ sở chăn nuôi, cơ sở kinh doanh thuốc thú y, cơ sở sản xuất, lưu kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật được kiểm tra. Không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm lớn (trên 50 người/vụ). Duy trì thực hiện đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của thành phố Hà Nội".

Để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch, UBND quận giao phòng Y tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo ATTP quận. Tham mưu xây dựng kế hoạch hoạt động theo năm, theo mùa vụ, chuyên đề và triển khai các chương trình, đề án về ATTP khi được phê duyệt. Tham mưu với UBND quận ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn quận thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực ATTP cho các thành viên Ban chỉ đạo ATTP từ quận đến các phường. Phối hợp với Trung tâm Y tế quận xây dựng hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; phát hiện và xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm; tổ chức điều tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận. Chủ động kiểm tra, giám sát các chuyên đề: dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, nước uống đóng chai và các nhóm ngành hàng khác theo phân cấp. 

Phòng Kinh tế: Thực hiện các hoạt động chuyên ngành thuộc lĩnh vực Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo phân cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý thực hiện các biện pháp bảo đảm ATTP. Quản lý mạng lưới chợ theo quy hoạch, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng thực phẩm tại các chợ. Tổ chức cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm theo phân cấp. Tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm; bản cam kết bảo đảm ATTP; tăng cường công tác quản lý về sản xuất, kinh doanh rượu; tiếp nhận bản thông báo đủ điều kiện bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Tham gia đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP quận; tổ chức kiểm tra chuyên ngành theo quy định. Kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp; kiểm soát vệ sinh thú y. Chỉ đạo việc phát triển và duy trì các vùng sản xuất nông sản an toàn; rà soát, quản lý chặt chẽ các cơ sở tham gia trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm cung ứng thực phẩm trên địa bàn quận và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Phát triển các chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn; sản phẩm thủy sản, thịt gia súc, gia cầm sạch. Duy trì Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng, kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025" trên địa bàn quận; mở rộng gắn biển nhận diện cho các cửa hàng kinh doanh trái cây đáp ứng được các yêu cầu của Đề án. Duy trì và nhân rộng các tuyến phố kiểu mẫu, không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. Định kỳ và đột xuất kiểm tra việc giết mổ gia súc, gia cầm, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, rau, quả lưu thông trên địa bàn quận. Định kỳ, đột xuất báo cáo thường trực Ban chỉ đạo ATTP quận (phòng Y tế), UBND quận và Sở quản lý ngành. 

Đội Quản lý thị trường số 26: Chủ trì Đoàn kiểm tra liên ngành 389 quận tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông thực phẩm trên thị trường, chú trọng vào các đợt cao điểm; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Tham gia đoàn thanh tra chuyên ngành ATTP quận. 

Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận: Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các Bộ, Ngành Trung ương và của Thành phố đến cán bộ, công chức, viên chức, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các TTTM, siêu thị, doanh nghiệp kinh doanh thương mại và người dân kinh doanh tại các chợ nhằm nâng cao nhận thức và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác truyền thông về ATTP trên Cổng thông tin điện tử quận, hướng dẫn tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các phường, tăng cường số lượng và thời lượng tuyên truyền vào các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội, Tết Trung thu, Tháng hành động vì ATTP... Thông báo rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử quận các mặt hàng, sản phẩm, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo đảm ATTP và các cơ sở chưa bảo đảm ATTP. Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân quảng cáo thực phẩm vi phạm các quy định của pháp luật. 

Phòng Giáo dục và Đào tạo: Phối hợp với phòng Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP cho cán bộ, nhân viên trong ngành Giáo dục. Chỉ đạo các trường học chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể. Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh truyền qua thực phẩm. Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học, chú trọng giám sát nguồn gốc thực phẩm. Phối hợp với Trung tâm Y tế quận tổ chức khám sức khỏe và cập nhật kiến thức về ATTP định kỳ cho cán bộ quản lý và nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; kiểm soát chặt chẽ chương trình sữa học đường. Chỉ đạo các trường học thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho học sinh các biện pháp đảm bảo ATTP để các em thực hành đúng về ATTP. 

Phòng Tài nguyên và Môi trường: Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý nguồn chất thải gây ô nhiễm môi trường và ô nhiễm thực phẩm; bảo đảm an toàn môi trường trồng trọt, chăn nuôi và môi trường sống. Tổ chức kiểm tra, tham mưu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. 

Công an quận: Phối hợp với phòng Y tế, phòng Kinh tế và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP của các phương tiện vận chuyển thực phẩm; điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả. Chỉ đạo Công an các phường phối hợp với lực lượng trật tự đô thị kiểm tra, xử lý các hoạt động kinh doanh (đặc biệt là thực phẩm) lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không bảo đảm ATTP. 

UBND các phường: Có trách nhiệm cụ thể hóa và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung kế hoạch tại địa phương; phê duyệt kế hoạch hành động bảo đảm ATTP cụ thể của địa phương. Chịu trách nhiệm quản lý và chỉ đạo các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn. Quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lễ hội, và bữa ăn tập trung đông người (bữa ăn 30 người trở lên, tiệc cưới, hiếu, hỉ ...), kinh doanh thức ăn đường phố. Rà soát lại nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị … cho công tác bảo đảm ATTP tại địa phương. Tổ chức kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản theo phân cấp. Xây dựng vùng sản xuất, chế biến nông sản thực phẩm an toàn; rà soát và xử lý các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Xây dựng các mô hình điểm về thức ăn đường phố, sản xuất và nuôi trồng rau, thủy sản an toàn, kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm sạch, từng bước nâng cao chất lượng ATTP trên địa bàn. Tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố hoạt động không đúng nơi quy định, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức