Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, quyết tâm xây dựng Hà Đông thành điểm sáng đô thị văn minh, hiện đại phía Tây Nam Thủ đô

Ngày 6/10/1954, từ 7 giờ sáng, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông, bộ đội và cán bộ ta từ nhiều ngả tiến vào thị xã. Đến 9 giờ, tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi thị xã. Đúng 12 giờ, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động, trên 2.000 nhân dân phấn khởi chào mừng thắng lợi, chào mừng Ủy ban quân chính tỉnh Hà Đông. Thị xã Hà Đông được hoàn toàn giải phóng. Từ đây, ngày 6/10/1954 đã trở thành một mốc son, sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra trang sử vẻ vang trong lịch sử quê hương Hà Đông. 

70 nam gphd 61024.jpg 

Bộ đội tiến vào tiếp quản thị xã Hà Đông ngày 6/10/1954 trước sự hân hoan mừng đón của đồng bào.

Nằm giữa các làng Việt cổ, tên gọi Hà Đông được hình thành dưới thời Pháp thuộc gắn liền với quá trình chia tách tỉnh Hà Nội, với mốc lịch sử 06/12/1904 khi toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên tỉnh Cầu Đơ thành tỉnh Hà Đông. Và tên gọi của tỉnh lỵ cũng là Hà Đông gồm nội thị với 2 khu phố: tả ngạn sông Nhuệ là Hà Văn, hữu ngạn sông Nhuệ là Hà Cầu. Hơn 1 thế kỷ là trung tâm chính trị của tỉnh Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây; Hà Đông còn được xem như tấm áo giáp vững chắc, cửa ngõ đặc biệt quan trọng, vành đai trực tiếp bảo vệ Thủ đô. 

Ngay từ đầu năm 1930 tại thôn La Khê, một số thanh niên yêu nước đã mở một lớp học chữ Quốc ngữ để tạo điều kiện tập hợp quần chúng, phát triển tổ chức và bí mật quyên góp tiền ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ở Hà Đông, thời khắc lịch sử được đánh dấu với cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Vạn Phúc đêm 16 rạng ngày 17/8/1945 và cơ bản hoàn thành vào ngày 23/8/1945. Từ ngày 3 đến 19/12/1946, Làng dệt Vạn Phúc vinh dự được đón Bác Hồ về ở và làm việc. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời hiệu triệu của Người, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông đã nhất tề đứng lên xây dựng và củng cố phòng tuyến chiến đấu. Những trận đánh bốt Đa Sỹ, phục kích diệt địch trên đường 6, đường 70, đường 71 mãi là những mốc son lịch sử, đánh dấu những đóng góp của Hà Đông trong 9 năm trường kỳ kháng chiến với kết thúc thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu."

Ngày 6/10/1954, từ 7 giờ sáng, quân Pháp rút khỏi thị xã Hà Đông, bộ đội và cán bộ ta từ nhiều ngả tiến vào thị xã. Đến 9 giờ, tên lính Pháp cuối cùng rời khỏi thị xã. Đúng 12 giờ, cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động, trên 2.000 nhân dân phấn khởi chào mừng thắng lợi, chào mừng Ủy ban quân chính tỉnh Hà Đông. Thị xã Hà Đông được hoàn toàn giải phóng. Từ đây, ngày 6/10/1954 đã trở thành một mốc son, sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra trang sử vẻ vang trong lịch sử quê hương Hà Đông.

Sau Ngày Giải phóng, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông lại thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", Hà Đông đã hoàn thành trọn vẹn, vẻ vang vai trò là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến đánh Mỹ, thống nhất đất nước. Lịch sử những năm tháng chống Mỹ cứu nước cũng ghi dấu những tình cảm đặc biệt của Bác Hồ với Hà Đông. Ngày 21/01/1966, khi về thăm, chúc Tết đồng bào xã viên hợp tác xã Văn Phú (nay là phường Phú La), Người đã căn dặn dân làng xây dựng quê hương đúng như tên làng: Văn là có văn hóa, Phú là giầu có.

Vượt qua những khó khăn, gian khổ thời kỳ bao cấp, Hà Đông tiếp tục nắm bắt và triển khai quyết sách mới của Đảng, cùng cả nước tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm đổi mới.  

Xứng đáng với vai trò trong lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình, ngày 1/8/2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, Hà Đông chính thức trở thành quận nội thành của Thành phố Hà Nội. Mốc lịch sử này tiếp tục đưa Hà Đông đứng trước những thời cơ - vận hội mới để tiến mạnh, tiến nhanh trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

MH 61024.jpg

Hà Đông đang là quận nội thành giàu tiềm năng và có tốc độ phát triển nhanh và mạnh của Thủ đô

Với diện tích 48,33 km2, dân số gần nửa triệu người với 17 đơn vị hành chính - Hà Đông đang là quận nội thành giàu tiềm năng và có tốc độ phát triển nhanh và mạnh của Thủ đô. Đó là kết quả từ chủ trương đúng đắn, cách làm sáng tạo, tinh thần chỉ đạo tập trung, kiên quyết, dứt điểm, hiệu quả của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân toàn quận. Nổi bật chính là Đảng bộ quận đã triển khai sớm việc thực hiện các chương trình công tác lớn của Thành ủy Hà Nội khóa XVII thông qua việc ban hành 6 chương trình, đề án trọng tâm khóa XXI với những nội dung, vấn đề quan trọng, bao trùm toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, xuất phát từ thực tiễn của riêng quận Hà Đông.

Trọng tâm đầu tiên là đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững. 3 nhiệm kỳ gần đây, Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông đã ban hành và thực hiện có hiệu quả Đề án 02 về phát triển thương mại dịch vụ, trong đó đặc biệt coi trọng phát triển thương mại du lịch dịch vụ. 70 năm sau giải phóng, đến nay Hà Đông đã có hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại dày đặc, phát triển theo đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của nhân dân. Ngoài ra, quận vẫn chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh năng suất cao.

Giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu bình quân 15 năm tăng 18-18,5% (giá cố định năm 1994 và 2010), quy mô sản xuất năm 2023 đạt trên 400.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2015 (giá cố định năm 2010), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 46 triệu đồng năm 2008 lên 95 triệu đồng năm 2023, tổng thu ngân sách năm 2023 đạt trên 5.440 tỷ đồng, tăng gấp 1,86 lần so với năm 2008.

Bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư: trên địa bàn quận Hà Đông đã và đang triển khai nhiều dự án khu đô thị mới, dự án trung tâm thương mại, tòa nhà hỗn hợp, chung cư cao tầng (trong đó có 11 dự án khu đô thị; 100 cụm nhà chung cư thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đã bàn giao đưa vào sử dụng, 06 tòa nhà chung cư đang xây dựng). Hàng năm, có từ 1.000 - 1.500 công trình nhà ở riêng lẻ đã triển khai thi công xây dựng. Trong 15 năm qua, bằng nguồn ngân sách Quận đã triển khai lập và phê duyệt đầu tư 1.602 dự án với tổng vốn là gần 7.000 tỷ đồng tập trung vào công trình hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, công trình hạ tầng xã hội, trường học, nhà văn hóa, hội trường họp dân.... Qua đó góp phần giải quyết những vấn đề dân sinh ở cơ sở, làm thay đổi diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh hiện đại.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Quốc gia năm 2012 là 1,07% và từ 2019 đến nay, trên địa bàn Quận không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo năm 2023 còn dưới 100 hộ. Ngành Giáo dục & Đào tạo đã phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp. Hệ thống cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của các cấp học được nâng cao và giữ vững ở vị trí tốp 5 của Thành phố trong nhiều năm liền; phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai thực hiện sâu rộng. Tỷ lệ gia đình, tổ dân phố, cơ quan đơn vị đạt danh hiệu văn hóa ngày càng tăng; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả.

MH 21024 1.jpg

Hà Đông ​​​hướng tới mục tiêu xây dựng quận thành điểm sáng đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc phía Tây Nam Thủ đô.

Công tác đối ngoại được mở rộng, Quận đã tổ chức tốt các cuộc trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách hành chính, quản lý đô thị, tuyên giáo, an toàn thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ 04 huyện: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Mỹ Đức xây dựng 10 nhà văn hóa tại các xã theo Chương trình Nông thôn mới với kinh phí 17 tỷ 471 triệu đồng; tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác, giao lưu, kết nghĩa trao đổi kinh nghiệm với một số quận, huyện, thành phố thuộc các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nam. Tham gia hỗ trợ huyện đảo Trường Sa và một số huyện khó khăn của tỉnh Sơn La và Điện Biên theo chỉ đạo của Thành phố.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường. Hệ thống chính trị từ Quận đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng và hiệu quả hoạt động có chuyển biến tốt hơn. 

Những thắng lợi trong 70 năm qua của Hà Đông luôn gắn liền với sự trưởng thành và không ngừng lớn mạnh của hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở. Từ một Đảng bộ chỉ có trên 10 đảng viên sau ngày giải phóng, đến nay, Đảng bộ quận Hà Đông đã có 86 tổ chức cơ sở Đảng với trên 22.600 đảng viên. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước. Cấp ủy chính quyền quận tập trung giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc còn tồn tại theo tinh thần Nghị quyết 15-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Bộ máy chính quyền không ngừng được củng cố, kiện toàn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; năng lực quản lý, điều hành của UBND quận và các phường từng bước được nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực được phát huy. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể từ quận đến cơ sở không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong các thời kỳ cách mạng.

Tròn 120 năm sau ngày thành lập, 70 năm sau ngày giải phóng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Đông luôn tự hào về những đóng góp vẻ vang cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng phát triển đất nước, cũng như vai trò là một đô thị trung tâm trong suốt nhiều thời kỳ lịch sử.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng là dịp để chúng ta nhìn lại một chặng đường lịch sử để thêm hiểu, thêm tự hào và thêm yêu mảnh đất Hà Đông. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn quận nguyện phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng nêu cao ý chí quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững thành quả cách mạng, hướng tới xây dựng Hà Đông thành điểm sáng đô thị văn minh, hiện đại, giàu bản sắc phía Tây Nam trung tâm Thủ đô Hà Nội. ​

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức