Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành Thành phố; sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hà Đông đã phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được những kết quả toàn diện, quan trọng trên các lĩnh vực.
Bộ mặt đô thị quận ngày càng khang trang hiện đại.
Theo đó, bám sát chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, quận Hà Đông đã khẩn trương rà soát, cập nhật, bổ sung các cơ chế chính sách để thực hiện thống nhất, đồng bộ, đặc biệt, tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với nhiều giải pháp đột phá, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.
Giá trị sản xuất của một số ngành chủ yếu bình quân 15 năm tăng 18-18,5% (giá cố định năm 1994 và 2010), quy mô sản xuất năm 2022 đạt 382.660 tỷ đồng, gấp 2,87 lần so với năm 2015 (giá cố định năm 2010), thu nhập bình quân đầu người tăng từ 46 triệu đồng năm 2008 lên 82,7 triệu đồng năm 2022, tổng thu ngân sách năm 2022 đạt 4.921.160 triệu đồng, tăng gấp 1,53 lần so với năm 2008, chi cân đối ngân sách năm 2022 là 4.698.990 triệu đồng bằng 2,94 lần năm 2008.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Quốc gia năm 2012 là 1,07% và từ 2019 đến nay, trên địa bàn Quận không còn hộ nghèo, số hộ cận nghèo năm 2022 còn 156 hộ; ngành giáo dục - đào tạo đã phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp: năm 2022, quận Hà Đông tăng thêm 75 trường học phổ thông so với năm 2008, gồm 50 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 7 trường trung học cơ sở và 1 trường THPT. Hệ thống cơ sở vật chất các trường học được quan tâm đầu tư. Chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn của các cấp học được nâng cao và giữ vững ở vị trí tốp 5 của Thành phố trong nhiều năm liền; phong trào xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được triển khai thực hiện sâu rộng. Tỷ lệ gia đình, tổ dân phố, cơ quan đơn vị đạt danh hiệu văn hóa ngày càng tăng; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm, nâng cao chất lượng, hiệu quả. 100% phường đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011-2020. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 8,5% năm 2008 xuống còn 6,1% năm 2022.
Ngành GD&ĐT quận tiếp tục có bước phát triển vượt bậc.
Bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, đất đai trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng kỹ thuật và xã hội được quan tâm đầu tư: trên địa bàn quận Hà Đông đã và đang triển khai nhiều dự án khu đô thị mới, dự án trung tâm thương mại, tòa nhà hỗn hợp, chung cư cao tầng (trong đó có 11 dự án khu đô thị; 100 cụm nhà chung cư thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp đã bàn giao đưa vào sử dụng, 06 tòa nhà chung cư đang xây dựng). Hàng năm, có từ 1.000- 1.500 công trình nhà ở riêng lẻ đã triển khai thi công xây dựng. Trong 10 năm qua, bằng nguồn ngân sách Quận đã triển khai lập và phê duyệt đầu tư 1.602 dự án với tổng vốn là 6.309 tỷ đồng tập trung vào công trình hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, công trình hạ tầng xã hội, trường học, nhà văn hóa, hội trường họp dân.... Qua đó góp phần giải quyết những vấn đề dân sinh ở cơ sở, làm thay đổi diện mạo đô thị ngày càng khang trang, văn minh hiện đại.
Các di tích lịch sử trên địa bàn được quan tâm đầu tư trùng tu tôn tạo và khai thác, sử dụng có hiệu quả. Từ năm 2008, Hà Đông có 70 di tích bị hư hại, xuống cấp được đầu tư tu bổ, tôn tạo. UBND quận Hà Đông đã chú trọng đầu tư bằng cả nguồn vốn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Đến năm 2022 có 63 công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách của quận Hà Đông, 07 công trình bằng nguồn xã hội hóa.
Công tác đối ngoại được mở rộng, Quận đã tổ chức tốt các cuộc trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực cải cách hành chính, quản lý đô thị, tuyên giáo, an toàn thực phẩm. Đồng thời, hỗ trợ 04 huyện: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Mỹ Đức xây dựng 10 nhà văn hóa tại các xã theo Chương trình Nông thôn mới với kinh phí 17 tỷ 471 triệu đồng; tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác, giao lưu, kết nghĩa trao đổi kinh nghiệm với một số quận, huyện, thành phố thuộc các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hà Nam. Tham gia hỗ trợ huyện đảo Trường Sa và một số huyện khó khăn của tỉnh Sơn La và Điện Biên theo chỉ đạo của Thành phố.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường. Hệ thống chính trị từ Quận đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng và hiệu quả hoạt động có chuyển biến tốt hơn.
15 năm là quãng thời gian không dài so với lịch sử Thăng Long - Hà Nội, song lại là quãng thời gian Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân quận Hà Đông cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, giành được nhiều kết quả to lớn trên các lĩnh vực. Đây chính là những điểm tựa vững chắc để Hà Đông hướng tới những mục tiêu mới, phát triển quận trở thành đô thị phát triển mạnh, toàn diện, bền vững trên các lĩnh vực, góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Viết bình luận