15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô: Cuộc kiến tạo mang tầm vóc lịch sử

​Chỉ còn ít ngày nữa là tròn 15 năm kể từ ngày Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội “về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" có hiệu lực, cũng là tròn 15 năm Hà Nội mở rộng, hợp nhất (1/8/2008 - 1/8/2023). Đây là dấu mốc quan trọng để cùng nhìn lại kết quả thực hiện một nghị quyết đã làm nên cuộc kiến tạo mang tầm vóc lịch sử, mở ra không gian phát triển mới cho Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng. 

MH HN.jpg 

Quyết sách của niềm tin và sự quan tâm đặc biệt

Chiều 29-5-2008, tức ngày làm việc thứ 20, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII, với 92,9% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội. Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XII (nay là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đã ký ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội “về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan". Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2008.

Điều 1 của Nghị quyết chỉ rõ: (1). Hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11ha và dân số hiện tại là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. (2). Chuyển toàn bộ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc về thành phố Hà Nội, bao gồm diện tích tự nhiên là 14.164,53ha và dân số hiện tại là 187.255 người. (3). Chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số hiện tại của 4 xã thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình về thành phố Hà Nội, bao gồm: 1.720,36ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 4.495 người của xã Đông Xuân, 3.457,74ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 6.606 người của xã Tiến Xuân, 2.073,06ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 5.875 người của xã Yên Bình, 1.532,76ha diện tích tự nhiên và dân số hiện tại là 3.278 người của xã Yên Trung. “Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hà Nội có diện tích tự nhiên là 334.470,02ha và dân số hiện tại là 6.232.940 người", Nghị quyết 15 của Quốc hội nêu.

Đúng ngày 1-8-2008, Hà Nội và các địa phương liên quan đã chính thức hợp nhất theo Nghị quyết 15 của Quốc hội, đánh dấu một trang sử mới với diện tích đứng thứ 17 trong các thủ đô trên thế giới. Đây là quyết sách tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển xứng tầm vị thế của Thủ đô của đất nước 100 triệu dân đang vươn lên mạnh mẽ sau hơn 3 thập kỷ thống nhất và hơn 2 thập kỷ đổi mới.

Sự kiện có ý nghĩa to lớn này thể hiện sự quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và đồng bào, chiến sĩ cả nước dành cho Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, linh thiêng và hào hoa, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, Thành phố Vì hòa bình...

Khẳng định sức vóc mới

Không phụ niềm tin yêu và kỳ vọng đó, 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã phấn đấu không ngừng, thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, ngày càng xứng đáng với vị trí, vai trò Thủ đô.

15 năm qua, với không gian rộng lớn hơn, Hà Nội có nhiều thời cơ, vận hội phát triển nhưng khó khăn, thách thức cũng đan xen. Ngay trong năm đầu hợp nhất, Hà Nội phải hứng chịu trận mưa ngập lịch sử, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, bộ máy tổ chức quản lý còn cồng kềnh, phải thực hiện khối lượng công việc đồ sộ. Dân số cơ học mỗi năm tăng thêm tương đương với 1 huyện mới (khoảng 200.000 người), trong khi hạ tầng không theo kịp nhu cầu. Ở vị trí Thủ đô, mặt tiền của đất nước, những khó khăn, thách thức chung thường cũng đến với Hà Nội trước tiên, nhanh hơn và gay gắt hơn; nhất là tác động của xung đột địa chính trị, khủng hoảng kinh tế thế giới; gần đây nhất là hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát, xung đột Nga - Ukraine...

Mặc dù vậy, với truyền thống đoàn kết, chung sức, đồng lòng và ý thức sâu sắc về trách nhiệm Thủ đô, 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, gương mẫu, đi đầu trên các lĩnh vực. Hà Nội đã bỏ lại phía sau những khó khăn, thách thức, tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu của cả nước. Vóc dáng, diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, hiện đại và to lớn hơn; đặc biệt là có chiều sâu hơn, đem lại những giá trị cải thiện đời sống nhân dân ngày càng cụ thể, thiết thực.

Quy mô kinh tế Thủ đô đến nay đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần năm 2008 và tương đương với 1/8 quy mô kinh tế cả nước (khoảng 409 tỷ USD). Thu ngân sách nhà nước thành phố tăng bình quân khoảng 8,7%/năm. Năm 2022, tổng thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội lần đầu tiên vượt 300 nghìn tỷ đồng, đứng thứ hai cả nước, nhưng riêng thu nội địa là nguồn thu bền vững phản ánh thực lực của nền kinh tế đứng đầu cả nước. 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách thành phố đã đạt 220.000 tỷ đồng, bằng 64,2% dự toán; trong đó, 94% là thu nội địa.

Đời sống nhân dân ở các khu vực của Hà Nội đã cải thiện một bước đáng kể so với thời điểm hợp nhất. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, tương đương với 5.991 USD (tỷ giá hiện tại), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD). Đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố còn đến 8,43%. Đến đầu năm 2023, Hà Nội chỉ còn có 2.134 hộ nghèo, chiếm 0,095% tổng dân số; đặc biệt, 16 quận, huyện đã không còn hộ nghèo.

Vững vàng con đường phát triển chiến lược

Trong tâm thế và ý thức không ngừng nỗ lực vươn tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn luôn tự giác đánh giá, nhìn nhận khách quan về những hạn chế, khuyết điểm còn tồn tại.

Nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra, tạo động lực phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới, trong khi kiên trì thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên trong bối cảnh khó khăn, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đã kịp thời triển khai những chủ trương lớn mang tầm nhìn chiến lược, tạo tiền đề cho Thủ đô phát triển trong 5, 10, 20 năm, thậm chí là 30 năm tới.

Nổi bật là Hà Nội đã đề xuất và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Cụ thể hóa Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã xây dựng chương trình hành động xác định 132 nhiệm vụ, đề án thực hiện; đồng thời kiến nghị các cơ quan trung ương triển khai 74 nội dung liên quan.

Đặc biệt, Hà Nội đã chủ động đề xuất và được Trung ương thông qua chủ trương Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi Quốc hội thông qua chủ trương, Hà Nội đã bắt tay vào thực hiện dự án; trực tiếp đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ngày 25-6 vừa qua, dự án đã chính thức khởi công, đánh dấu mốc quan trọng và chứng minh một con đường của “ý Đảng, lòng dân".

Thành phố cũng đã ban hành nghị quyết về ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo và văn hóa với tổng mức đầu tư hơn 49.200 tỷ đồng trong giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo. Sau hơn 1 năm thực hiện, khoảng 1.000 công trình đã được đầu tư cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới. Hà Nội cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả những chủ trương lớn thể hiện tầm nhìn, ý chí quyết tâm, đổi mới, sáng tạo như: Phân cấp, ủy quyền; Đề án quản lý tài sản công; xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ; Đề án cải tạo chung cư cũ...

Hiện nay, thành phố đang tập trung chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065), xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ sửa đổi Luật Thủ đô. Hà Nội quyết tâm hoàn thành các nội dung này để trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 năm nay.

Sau 15 năm hợp nhất, Hà Nội không những khẳng định tầm vóc mới, tâm thế mới, mà còn chủ động định hình con đường tương lai rộng mở hứa hẹn bước phát triển to lớn hơn xứng đáng với niềm tin yêu, sự kỳ vọng mà Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đã trao gửi với quyết sách lịch sử 15 năm trước.

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức