Nhiều hoạt động tuyên truyền, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công thương

HNP - Ngày 17/7, Sở Công Thương Hà Nội có Báo cáo số 315/BC-SCT về thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2016-2020.

Theo Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2.100 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Công Thương. Thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm ATTP giai đoạn 2016-2020, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức 147 lớp tập huấn kiến thức cho 19.130 cán bộ làm công tác ATTP, người sản xuất kinh doanh thực phẩm; đồng thời, in ấn 159.200 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền về ATTP; cảnh báo cho người dân các phương thức làm ăn phi pháp, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính…

Cùng với tuyên truyền, các đơn vị trực thuộc Sở Công Thương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm xử lý nghiêm vi phạm về ATTP. Trong đó, các phòng chuyên môn trực thuộc Sở đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 303 lượt cơ sở, 10 chợ hạng 1. Kết quả, số lượt vi phạm là 94, xử phạt 73 lượt với số tiền là hơn 1,6 tỷ đồng.

Sở Công Thương cũng tích cực phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức đoàn giám sát đối với hoạt động quản lý nhà nước của một số chính quyền cấp huyện và cấp xã về công tác bảo đảm vệ sinh ATTP trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy, các đơn vị bước đầu đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố đối với vấn đề ATTP.

Đáng chú ý, Sở Công Thương đã vận hành chuyên mục ATTP trên trang Website đăng tải, cập nhật thông tin thường xuyên về công tác quản lý ATTP trên địa bàn thành phố; tiếp nhận các thông tin của công dân phản ánh về hành vi vi phạm ATTP; các khó khăn, vướng mắc của công dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP. Sở đã tiếp nhận 1 trường hợp phản ánh của công dân về tình trạng không bảo đảm ATTP qua trang thông tin điện tử (vụ việc đã được Thanh tra Sở xác minh, xử lý).

Bên cạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, công tác thực hiện TTHC về ATTP, tiếp nhận tự công bố sản phẩm cũng có nhiều tiến bộ. Sở Công Thương đã cấp 2.098 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cấp 4.436 giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý. 100% TTHC được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian theo quy định. Ngoài ra, Sở còn tiếp nhận tiếp nhận 26.513 bản tự công bố sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm lĩnh vực Công Thương trên địa bàn thành phố.

Từ thực tiễn quản lý, Sở Công Thương cũng đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động và giám sát bảo đảm ATTP. Trong đó, đề nghị Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan, Công an thành phố và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển các sản phẩm thực phẩm từ các tỉnh nhập vào Hà Nội cũng như thực phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn thành phố. Đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lĩnh vực Công thương trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở kinh doanh thực phẩm tại chợ.

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử Thành phố Hà Nội

Viết bình luận

Xem thêm tin tức