Nâng cao ý thức, không chủ quan với sốt xuất huyết

Báo cáo tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chiều ngày 31/10, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 (đến 30/10) có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong. Số mắc tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021. Số ca mắc năm 2022 tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm.

MH SXH222.jpgPhun hóa chất phòng dịch sốt xuất huyết.

Đối với quận Hà Đông, tính đến 31/10/2022, toàn quận ghi nhận 595 ca mắc sốt xuất huyết với 67 ổ dịch. Hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động. Tính riêng trong tháng 10 toàn quận ghi nhận 284 ca mắc (tháng 9 ghi nhận 244 ca), có 02 ca tử vong tại phường Kiến Hưng và Mộ Lao. 

Quận đã chỉ đạo ngành Y tế phối hợp với UBND các phường tổ chức 55 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại 17/17 phường. 100% các tổ dân phố đã thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường; đã thực hiện 4 chiến dịch phun hoá chất diện rộng (bằng ô tô) tại 4 phường có các ổ dịch lớn gồm Đồng Mai, Yên Nghĩa, Dương Nội, Biên Giang. Hiện quận đang xây dựng triển khai kế hoạch phun hoá chất diệt muỗi bằng máy phun công suất lớn, dự kiến bắt đầu triển khai từ 03/11/2022 trên địa bàn toàn quận. 

Cùng với đó, UBND quận đã kiện toàn 4 Đội đáp ứng nhanh chống dịch; thành lập các Đoàn kiểm tra giám sát công tác phòng chống dịch tại các đơn vị; chỉ đạo y tế phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các dịch bệnh khác.

Hiện tại, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn quận vẫn đang có những diễn biến khó lường. UBND quận đã chỉ đạo ngành y tế tăng cường giám sát dịch tễ, chủ động xây dựng triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; khoanh vùng xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế không để dịch bùng phát lan rộng, giảm thiểu số ca mắc. 

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra, bệnh do muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn truyền nhiễm cho người. Hiện sốt xuất huyết là bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa và thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả người lớn. Bệnh sốt xuất huyết có thể diễn tiến đến các biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong. Biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết là sốc, nếu sốc phát hiện trễ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng dẫn đến suy đa cơ quan khó hồi phục, trẻ cũng nhanh chóng tử vong. Ngoài ra còn các biến chứng như suy gan, xuất huyết, viêm não… cũng rất nguy hiểm. 

Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do vi rút Dengue với 4 tuýp huyết thanh DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể bị mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời với tuýp vi rút Dengue gây bệnh nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với các típ vi rút Dengue khác. Nếu bị mắc bệnh lần thứ hai với tuýp vi rút Dengue khác, bệnh nhân có thể sẽ bị bệnh nặng hơn và dễ xuất hiện sốc Dengue. Người bệnh mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột và kèm theo ít nhất 2 trong các dấu hiệu như nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. 

Khi trẻ mắc bệnh, các phụ huynh đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, không tự ý điều trị tại nhà. Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nên chúng ta có thể dự phòng bệnh cho trẻ. Khi trẻ bệnh thì theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu nặng để nhập viện điều trị. 

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, người dân cần thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ. Lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng thuốc xịt mũi… để phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

 

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức