Hôm nay 1/8, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô vui mừng và tự hào kỷ niệm tròn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 (ngày 29-5-2008) của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" (1/8/2008 - 1/8/2023).
Hà Nội ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại.
Nhớ lại thời khắc lịch sử quan trọng ngày này 15 năm về trước, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã hợp nhất vào thành phố Hà Nội. 15 năm qua - một thời gian không dài so với chiều dài lịch sử phát triển hơn 1.000 năm của Thăng Long - Hà Nội, quyết định đúng đắn, sáng suốt của Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã tạo nên một diện mạo mới khang trang, hiện đại cho Thủ đô Hà Nội hôm nay.
Công cuộc mở rộng Thủ đô đã chứng minh tính đúng đắn của một quyết sách chiến lược mang tầm thời đại, giúp Hà Nội khai thác các giá trị, nguồn lực to lớn để phát triển mạnh mẽ lên một tầm vóc mới, với thế và lực mới.
Chặng đường 15 năm trong không gian phát triển mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu đáng tự hào, tiếp tục khẳng định và không ngừng nâng cao vị thế của Thủ đô. Nổi bật là dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số cả nước, nhưng hằng năm, Hà Nội đóng góp trên 16% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 18,5% thu ngân sách nhà nước… Quy mô nền kinh tế của Hà Nội theo thống kê năm 2022 đạt 1,2 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 50 tỷ USD (cả nước đạt khoảng 409 tỷ USD), cao gấp hơn 4 lần năm 2008. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội đạt 141,8 triệu đồng/người/năm (5.991USD), gấp hơn 3,5 lần năm 2008 (1.697 USD); đầu năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố còn đến 8,43%, đến nay tỷ lệ này chỉ còn 0,095% và có đến 16/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo…
Kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên qua việc thành phố đặc biệt quan tâm, chăm lo đến công tác an sinh xã hội; giáo dục và đào tạo được chú trọng đầu tư, chất lượng được giữ vững; hạ tầng khu vực đô thị và nông thôn được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại. Đặc biệt, bản sắc văn hóa truyền thống của mảnh đất Thăng Long, văn hóa xứ Đoài và các vùng văn hóa khác ngày càng được duy trì, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh của Thủ đô tiếp tục được củng cố, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được coi trọng, thực sự là khâu then chốt của Đảng bộ thành phố.
Với thế và lực mới, Thủ đô Hà Nội ngày càng xứng đáng với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế. Thủ đô Hà Nội hôm nay đã mang dáng hình và sức vóc của một đô thị đang vươn mình phát triển hiện đại, giàu đẹp, văn minh.
Con đường phía trước đang mở ra với cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo, nỗ lực không ngừng để đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa. Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục sứ mệnh tiên phong, tập trung công sức, trí tuệ, đoàn kết, đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đặc biệt, với tầm nhìn chiến lược cho Thủ đô phát triển lên tầm cao mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, như hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; lập quy hoạch phát triển; sửa đổi Luật Thủ đô 2012…
Với truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; cùng niềm tự hào “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực, kiên trì xây dựng Thủ đô hòa bình, văn hiến, văn minh và hiện đại; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Dòng chảy nghìn năm đã bồi đắp nên Thăng Long - Hà Nội - nơi hội tụ khí thiêng sông núi. Để mảnh đất nghìn năm văn hiến mãi rạng danh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô nguyện chung sức, đồng lòng hoàn thành di nguyện của Bác Hồ kính yêu là “làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".
Viết bình luận