Rồng tuy là sản phẩm của huyền thoại nhưng nhân dân ta, dù đi đâu, ở đâu trên khắp trái đất này đều luôn tự hào về nguồn gốc “Con Rồng, cháu Tiên". Hình ảnh rồng luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt.
Người Việt vẫn thường suy tôn nguồn gốc của mình là “Con Rồng, cháu Tiên".
Hình ảnh Rồng luôn là một biểu tượng thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Trong văn hóa phương Đông, hình tượng con Rồng được biểu trưng hóa thành cái tuyệt mỹ, là biểu tượng cho quyền lực tuyệt đối và cũng là biểu tượng của hạnh phúc song toàn, trọn vẹn. Trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam, rồng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “con Rồng - cháu Tiên".
Trong 12 con giáp, chỉ có con Rồng là con vật huyền thoại. Rồng không thuộc thế giới động vật mà con người có trong tay để thuần dưỡng, nuôi nấng. Theo các nhà nghiên cứu, Rồng (Thìn) chỉ là một con vật tưởng tượng không có thật trong đời sống thực tế, cho dù thực tế cổ xưa đi nữa. Do là con vật tưởng tượng nên Rồng đã được đưa khá nhiều vào thành ngữ tiếng Việt.
Con Rồng đứng đầu trong bộ tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Bốn con vật này tạo ra vẻ đẹp hoàn mỹ, tượng trưng cho thế giới phẩm hạnh trọn vẹn được sắp xếp theo trật tự từ trên trời - dưới đất, trên cạn - dưới nước, vừa có con bò lại vừa có con chạy, lại vừa có con bay. Rồng được đứng đầu vì nó vừa bay được trên không, vừa là chủ của thế giới thủy cung, lại có thể hóa thành thân kiếp khác để đi ngao du trên cạn, nghĩa là một con vật toàn tài nhất. Rồng là một đại diện mang đến nhiều sự may mắn, thịnh vượng và tài lộc theo quan niệm phong thủy.
Trong tâm thức của người Việt truyền thống và ngay cả ngày nay, rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm - dương, trời - đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước- một nghề tối cổ trên đất Việt được hình thành trên cơ sở của hai yếu tố tự nhiên khởi nguyên là đất và nước.
Rồng gắn liền với người Việt qua truyền thuyết Hồng Bàng Thị, mang ý nghĩa nguồn cội, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, xứng danh “con rồng cháu tiên" ngàn đời nay đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Tổ tiên người Việt bắt nguồn từ truyền thuyết Lạc Long Quân (vốn là rồng) lấy bà Âu Cơ (dòng dõi tiên). Bà Âu Cơ sinh được trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, lập nên nước Đại Việt, lấy hiệu là Hùng Vương. Từ đó, người Việt Nam luôn tự hào vì dòng dõi tiên rồng của mình.
Nhìn từ góc độ văn hóa, Rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt.
Nhìn từ góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Ngay từ thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh. Thời Lê Sơ, hình tượng rồng phổ biến trên các bia đá. Do được tạo tác trên chất liệu này nên hầu hết các hình rồng đến nay còn tương đối nguyên vẹn. Điển hình là đôi rồng đá ở Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long, rồng đá trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc tử Giám, ở các bia lăng, mộ vua chúa nhà Lê, ở Lam Kinh, Thanh Hóa,…
Rồng là linh vật đại diện cho các bậc đế vương, những vị chân mệnh thiên tử có quyền lực, địa vị tối cao. Trong lịch sử, các đồ dùng của vua đều mang hình tượng loài Rồng sang quý. Ví dụ như: Áo long bào vua mặc, long sàng giường vua nằm, long ỷ ghế vua ngồi, long ấn là ấn tín của vua dùng để biểu trưng sức mạnh, sự uy nghiêm,...
Ngày nay, hình tượng con Rồng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật. Hình tượng Rồng còn rất phổ biến trong các vấn đề tâm linh, thờ cúng như: Tượng Rồng đặt trên bờ nóc, bờ mái đình, chùa tạo sự trang nghiêm và tiêu trừ các thế lực hắc ám...; chi tiết Rồng chầu nguyệt được vẽ trên các sản phẩm đồ thờ (bát hương, bát cúng, đĩa cúng,...) thể hiện sự tôn kính. Sở dĩ hình tượng Rồng thường được sử dụng ở các khu vực linh thiêng và trang nghiêm bởi lẽ linh vật này được xem là sự đại diện của các vị thần có sức mạnh tối cao, là biểu tượng của trời đất.
Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, các cặp đôi khi cưới hỏi có thủ tục trao tráp Rồng Phượng dâng gia tiên, bày tỏ lòng thành kính, hiếu thuận của mình. Trong các nghi lễ truyền thống, các lễ hội dân gian đặc biệt của vùng miền, người dân thường sẽ mang theo các loại đuốc rồng, thực hiện những màn múa rồng đầy khí thế và rộn ràng. Đây là một nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh vô cùng tốt đẹp để người Việt ghi nhớ về nguồn cội.
Có thể nói, hình tượng Rồng đã trở nên thân thuộc với mỗi người Việt Nam và là biểu tượng cao quý, được nhiều người yêu mến, cung kính và tôn thờ. Sự xuất hiện của Rồng mang đến cho người dân sự yên bình, phồn thịnh. Từ xa xưa, cha ông ta thường tin rằng, năm Thìn (Rồng) là năm mang đến “đại cát, đại lợi".
Viết bình luận