Hà Nội phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ. Người nói: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do".

C Tuyen tang qua 21721 anh 1.jpg

Lãnh đạo Thành phố tặng quà người có công tiêu biểu tại quận Hà Đông.

Trước lúc đi xa, Người vẫn không quên căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Vì độc lập, tự do của Tổ quốc, biết bao người con ưu tú của dân tộc đã mãi mãi không trở về, máu xương của họ hóa hồn thiêng sông núi. Nhân dân Việt Nam sẽ mãi khắc ghi và tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông đã viết nên những bản hùng ca bi tráng “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh". 

Thực hiện lời răn dạy của Người, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta ngày càng quan tâm sâu sắc hơn đến công tác “Đền ơn, đáp nghĩa", tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. 

Là địa phương tập trung đông người có công và thân nhân sinh sống, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn quan tâm thực hiện tốt công tác “Đền ơn, đáp nghĩa", tri ân, chăm lo chu đáo người có công và các gia đình chính sách. Đặc biệt, Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế chính sách riêng, có nhiều chính sách cao hơn mức của Trung ương, để góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, gia đình chính sách. Qua đó, bồi đắp và thắp sáng truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn". 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, Thành phố hiện quản lý và thực hiện các chế độ, chính sách đối với gần 800.000 người có công, trong đó có gần 86.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Nhờ triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chính sách tri ân nên đời sống của người có công trên địa bàn ngày càng ổn định. Đến nay, Hà Nội không còn gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở hay phải sống trong cảnh nghèo. 

Thiết thực kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thành phố Hà Nội dự kiến trao 122.045 phần quà tặng người có công và thân nhân với tổng kinh phí 97,63 tỷ đồng.  Hà Nội cũng tặng quà các đơn vị, trung tâm nuôi dưỡng người có công, ban quản lý nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà một số đơn vị, cá nhân tiêu biểu. 

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thành phố Hà Nội đặt ra một số chỉ tiêu cơ bản: Vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa" toàn thành phố đạt 23.200 triệu đồng; tặng 3.021 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa"; tu sửa, nâng cấp 75 công trình ghi công liệt sỹ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 215 hộ gia đình người có công. 

Thành phố Hà Nội phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú. 100%  Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được chăm sóc chu đáo về đời sống vật chất và tinh thần, bảo đảm có cuộc sống tốt nhất. Cụ thể là, nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, xây mới hoặc sữa chữa nhà ở, nâng cấp tiện nghi sinh hoạt. Khi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ốm đau hoặc qua đời, chính quyền, đoàn thể phải quan tâm hết sức chu đáo. 

Các địa phương tiếp tục vận động các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nhận phụng dưỡng các bà mẹ liệt sỹ mới được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng" với mức từ 1.000.000 đồng/người/tháng trở lên. 

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 đã trở thành ngày toàn dân tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước. Xin được thành kính thắp nén tâm hương tri ân tới các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc! Xin cảm ơn các Mẹ Việt Nam Anh hùng đã sinh ra những người con anh dũng để đất nước được nở hoa! Xin được sẻ chia với những nỗi đau khi trái gió trở trời với các thương bệnh binh đã để một phần xương máu của mình ở lại với dải đất hình chữ S này !

 

Nguồn: 

Cổng thông tin điện tử quận Hà Đông

Viết bình luận

Xem thêm tin tức