Nằm ở phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội - Hà Đông là mảnh đất có bề dày lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng kiên cường. Trong suốt chiều dài 120 năm hình thành và phát triển, qua 8 lần tách nhập, đổi tên và thay đổi địa giới hành chính, Hà Đông luôn xứng đáng với vị thế là trung tâm của tỉnh lỵ Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây xưa và là một quận nội thành của Thủ đô Hà Nội ngày nay.
Toàn cảnh vùng đất Hà Đông những năm 1920-1929.
Xứng đáng là trung tâm của một vùng đất cổ
Nằm giữa các làng Việt cổ - tên gọi Hà Đông được hình thành dưới thời Pháp thuộc gắn liền với quá trình chia tách tỉnh Hà Nội, với mốc lịch sử 06/12/1904 khi toàn quyền Đông Dương ra nghị định đổi tên tỉnh Cầu Đơ thành tỉnh Hà Đông. Và tên gọi của tỉnh lỵ cũng là Hà Đông gồm nội thị với 2 khu phố: tả ngạn sông Nhuệ là Hà Văn, hữu ngạn sông Nhuệ là Hà Cầu. Từ đó, Hà Đông luôn giữ vai trò trọng yếu trong suốt các giai đoạn lịch sử. Hơn một thế kỷ là trung tâm chính trị của tỉnh Hà Đông, Hà Sơn Bình, Hà Tây; Hà Đông còn được xem như tấm áo giáp vững chắc, cửa ngõ đặc biệt quan trọng, vành đai trực tiếp bảo vệ Thủ đô. Đây cũng là địa bàn huyết mạch nối liền Hà Nội với các tỉnh vùng Tây Bắc của Tổ quốc.
Trước năm 1945, Hà Đông là địa bàn sớm tiếp nhận ánh sáng cách mạng từ lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc. Thời kỳ đó, Hà Đông được coi là an toàn khu của xứ ủy Bắc Kỳ, nơi Bác Hồ đã về ở và làm việc tại làng Vạn Phúc, trực tiếp viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946.
Hướng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tinh thần kiên cường quả cảm, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông đã đứng lên chiến đấu anh dũng, với nhiều trận đánh đã ghi vào lịch sử như trận đánh bốt Đa Sỹ, phục kích diệt địch trên đường 6, đường 70, đường 71. Và rồi trước ngày giải phóng Thủ đô đúng 4 hôm, ngày 6/10/1954, thị xã Hà Đông hoàn toàn được giải phóng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Bộ đội tiến vào tiếp quản thị xã Hà Đông ngày 6/10/1954.
Sau kháng chiến chống Pháp, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Hà Đông lại thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược cách mạng của Đảng là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bọn tay sai để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 10 năm trong khói lửa chiến tranh, với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", Hà Đông luôn xứng đáng với vai trò là đầu tầu - là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của một tỉnh gần Thủ đô. Kinh tế không ngừng phát triển với việc phát huy thế mạnh của nghề dệt, nghề rèn truyền thống; sản xuất nông nghiệp luôn đi đầu về năng suất và sản lượng của tỉnh; công thương nghiệp được mở rộng đã giúp Hà Đông sớm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, Hà Đông đã hoàn thành trọn vẹn vai trò là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến, để đất nước có được niềm vui trọn vẹn khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải. Năm 2000, Hà Đông đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cùng nhiều phần thưởng cao quý dành cho các tập thể và cá nhân.
Khai thác mọi nguồn lực xây dựng và phát triển quận Hà Đông thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch phía Tây Nam của Thủ đô
Sau 16 năm hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô, đến nay, quận Hà Đông có diện tích 49,64 km2, dân số trên 42,1 vạn người với 17 đơn vị hành chính, được coi là quận nội thành có tốc độ đô thị hóa nhanh của Thủ đô. Những năm qua, quận tập trung mọi nguồn lực phát triển mạnh kết cấu hạ tầng khung, đi đôi với xây dựng đô thị văn minh. Trong đó, quận quan tâm phát triển hệ thống giao thông. Các tuyến huyết mạch như đường 6, đường trục phía Nam, các tuyến xuyên tâm hiện đại như Lê Trọng Tấn, Phúc La - Văn Phú, Tố Hữu, nhất là dự án Vành đai 4, Vành đai 3,5 đang dần hiện hữu đã giải quyết cơ bản tình trạng quá tải về giao thông ở khu vực trung tâm, tạo liên kết vùng, đồng thời mở ra cho Hà Đông nhiều trục không gian đô thị bề thế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực đầu tư.
Các khu đô thị mới mọc lên ngày càng nhiều, như Khu đô thị Văn Quán - Yên Phúc, Khu đô thị Mỗ Lao, Văn Khê, Park City, An Hưng, Khu đô thị Văn Phú, trục đô thị phía Bắc và Khu đô thị Dương Nội, trục đô thị phía Nam và Khu đô thị Thanh Hà… đã làm cho diện mạo quận Hà Đông thực sự thay đổi, hiện đại, văn minh và đẹp hơn.
Bộ mặt đô thị Hà Đông ngày càng văn minh, hiện đại.
Kinh tế du lịch, thương mại dịch vụ phát triển mạnh nhờ quận tận dụng được tiềm năng lợi thế gần trung tâm Thủ đô. Làng lụa Vạn Phúc, làng rèn Đa Sỹ, mộc Thượng Mạo, the La Khê… là những địa danh ai cũng nhắc đến khi về với Hà Đông. Chỉ tính riêng giai đoạn 2021-2025, tổng giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ của quận Hà Đông ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2021-2025 tăng 15,3%. Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 5.707 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách 5 năm (2021-2025) ước đạt trên 25.700 tỷ đồng, vượt dự toán Thành phố giao trên 1.000 tỷ đồng.
Bên cạnh phát triển kinh tế, đô thị, quận Hà Đông cũng quan tâm phát triển văn hóa - xã hội. Quy mô mạng lưới trường học được phát triển, chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn được nâng cao, đứng thứ 4/30 đơn vị toàn thành phố và được công nhận nằm trong tốp đầu của ngành Giáo dục Thủ đô.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, cơ quan đơn vị văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực. Hiện nay, toàn quận có 93% số hộ; 92,6% số tổ dân phố và 86% số cơ quan đơn vị đạt danh hiệu Văn hoá. Các vấn đề xã hội cũng được tập trung giải quyết hiệu quả; toàn quận hiện chỉ còn dưới 100 hộ cận nghèo. Cải cách hành chính có chuyển biến tích cực, hướng đến phục vụ người dân. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Quan tâm xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh
Những thắng lợi trong 70 năm qua của Hà Đông luôn gắn liền với sự trưởng thành và không ngừng lớn mạnh của hệ thống chính trị từ quận đến cơ sở. Từ một Đảng bộ chỉ có trên 10 đảng viên sau ngày giải phóng, đến nay, Đảng bộ quận đã có 87 tổ chức cơ sở Đảng với trên 2,2 vạn đảng viên. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước.
Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông khóa XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Những năm qua, cấp ủy chính quyền quận tập trung giải quyết có hiệu quả nhiều vụ việc còn tồn tại theo tinh thần Nghị quyết 15 của Thành ủy Hà Nội về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Bộ máy chính quyền không ngừng được củng cố, kiện toàn. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; năng lực quản lý, điều hành của UBND quận và các phường từng bước được nâng cao; quyền làm chủ của nhân dân trên các lĩnh vực được phát huy.
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể từ quận đến cơ sở không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong các thời kỳ cách mạng.
Tròn 120 năm sau ngày thành lập, 70 năm sau ngày giải phóng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Đông luôn tự hào về những đóng góp vẻ vang cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng phát triển đất nước, cũng như vai trò là một đô thị trung tâm trong suốt nhiều thời kỳ lịch sử.
Hà Đông hôm nay đã hòa mình vào dòng chảy của Thủ đô mở rộng. Chặng đường 16 năm hợp nhất với Hà Nội tuy ngắn nhưng đánh dấu những bước tiến dài của một quận nội thành giầu tiềm năng. Thời gian tới, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân Hà Đông quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, huy động và khai thác tối đa mọi nguồn lực xây dựng và phát triển quận thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch phía Tây Nam của Thủ đô, góp phần xứng đáng vào công cuộc kiến tạo và phát triển Thủ đô ngày càng văn hiến, văn minh, hiện đại.
Viết bình luận