Đề án 06 phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể và mục tiêu

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, đồng thời là công việc mới, khó, nhạy cảm. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.

Hoàn thiện

Hoàn thiện

Hoàn thiện hành lang pháp lí

Năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là “Tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái”.

Từ năm 2020-2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, ban hành nhiều Quyết định, chiến lược Chính phủ số (CPS), Kinh tế số (KTS) và Xã hội số (XHS), trong đó phải kể đến Quyết định số 749/QĐ-TTg ban hành Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia với ba trụ cột là: CPS, KTS và XHS; Chiến lược Chính phủ điện tử hướng tới CPS; Chiến lược KTS và XHS. Tiếp sau đó, gần như tất cả các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nghị quyết, chiến lược và chương trình CĐS. Đây là thuận lợi cơ bản, có tính quyết định cho thành công ở những bước tiếp theo. Xét trên góc độ này, quyết tâm, khát vọng và sự nhanh nhạy của Việt Nam không kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Để bảo vệ quyền con người trên không gian mạng và lợi ích quốc gia, nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin... đã được ban hành, trong đó có các quy định cụ thể về quyền của người dân khi sử dụng và kinh doanh trên mạng in-tơ-nét. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn, xử lý tin xấu độc với các nền tảng xuyên biên giới được coi là nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan chức năng. Luật Giao dịch điện tử 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 cũng góp phần hoàn thiện hành lang pháp lí, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTS, CĐS, thúc đẩy quá trình CĐS quốc gia.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất thế giới với số lượng người sử dụng in-tơ-nét đạt hơn 70 triệu người, tương đương 73% tổng dân số. Dữ liệu cá nhân từ vị trí chưa thực sự quan trọng, trở thành nguyên liệu chính cho hoạt động của các ngành, nghề, dịch vụ kinh doanh và ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong tổng thể lĩnh vực tạo ra giá trị lợi nhuận cao trong nền kinh tế quốc dân. Điều này đặt ra bài toán phải quản lí hiệu quả, tương đồng giữa sử dụng và bảo vệ dữ liệu cá nhân, ứng phó, hạn chế nguy cơ, xử lí vi phạm để giữ vững sự phát triển và giá trị do dữ liệu cá nhân tạo ra.

Trong từng lĩnh vực, Chính phủ, các bộ, ngành cũng xây dựng văn bản, hướng dẫn theo thẩm quyền, quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn về tương tác an toàn trên không gian mạng, cụ thể như Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lí, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ là căn cứ pháp lí quan trọng để thực hiện việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy và chuyển sang môi trường số; Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lí và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên; Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP do Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp ban hành; Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25-1-2022 và Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo “Phát triển các kho học liệu số, học liệu mở chia sẻ dùng chung toàn ngành giáo dục”, chủ trì và phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội “Xây dựng mạng lưới thư viện điện tử, các nền tảng tài nguyên giáo dục mở, thí điểm xây dựng và triển khai chương trình sách giáo khoa mở”; Quyết định số 830/QĐ-TTg ngày 1-6-2021 phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025"…

Có thể khẳng định, hệ thống văn bản chính sách, pháp luật về CĐS ở Việt Nam đã đề cập và điều chỉnh các mối quan hệ xã hội xảy ra trên môi trường mạng tương đối toàn diện và tương thích với các chuẩn mực, kinh nghiệm của quốc tế. Dù vậy, tương tự như nhiều quốc gia khác, khuôn khổ pháp luật của Việt Nam về CĐS vẫn còn nhiều khoảng trống, đòi hỏi cần liên tục củng cố, bổ sung trong phù hợp với sự phát triển thực tế của CNS và CĐS.

Chuyển đổi số phục vụ đời sống xã hội

Hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng số tiếp tục được phát triển: (i) Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động tăng so với cùng kì, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới; (ii) Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối đến các phường, xã, thị trấn; (iii) Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ, tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (quản lí dân cư, đăng kí doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử...).

Đặc biệt, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động... Việc khai thác CSDL quốc gia về dân cư mang lại nhiều lợi ích, như giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế việc di chuyển; hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân; tinh gọn cán bộ, công chức bộ phận tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”, sách nhiễu người dân... Theo ước tính, việc này đã giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỉ đồng.

Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả: Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái (gấp 1,7 lần so với năm 2021); hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021); nhiều dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp được cung cấp kịp thời, hiệu quả (đăng kí dự thi, xét tuyển đại học, cao đẳng; cấp hộ chiếu trực tuyến; thí điểm thành công 2 dịch vụ công liên thông đăng kí khai sinh - đăng kí thường trú - cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng kí khai tử - xóa đăng kí thường trú - trợ cấp mai táng phí).

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đã tích hợp vào CSDL quốc gia về dân cư, gồm 6 trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu người dân, tương ứng với gần 28 triệu hộ gia đình trên toàn quốc; kết nối liên thông với gần 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh và hơn 500 nghìn tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trên toàn quốc và các bộ, ngành. Mỗi năm, Cổng Giao dịch điện tử tiếp nhận và xử lí gần 100 triệu lượt hồ sơ; bình quân mỗi cán bộ bảo hiểm xã hội giải quyết khoảng 4.000 hồ sơ/năm... Với ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, gần 30 triệu tài khoản có thể quản lí, kiểm soát các thông tin về quá trình thực hiện các dịch vụ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thực hiện các dịch vụ công về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế một cách tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; sử dụng trực tiếp khi đi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trên toàn quốc...

Ngày 6-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Bên cạnh các văn bản có tính quy phạm, các hướng dẫn, bộ quy tắc cũng được quan tâm phát triển như Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) ban hành tháng 6-2021. Bộ Quy tắc là cơ sở tiền đề để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng và ban hành các Bộ quy tắc ứng xử trong phạm vi chuyên ngành, lĩnh vực quản lí như Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành tháng 12-2021.

Bộ TTTT cũng chủ động nghiên cứu, tìm hiểu để nhanh chóng làm chủ các tính năng, công cụ mới của Internet và mạng xã hội phục vụ công tác quản lí, tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội, thúc đẩy truyền thông chủ động. Tiêu biểu là chương trình “Dân hỏi - Thành phố trả lời” do Bộ TTTT và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong đợt cao điểm chống dịch COVID-19 đã kịp thời giải đáp thắc mắc, cung cấp thông tin trực tiếp giữa thành phố và người dân, kịp thời giải tỏa nhiều thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong người dân về các chủ trương, biện pháp phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước và Thành phố. Việc sử dụng tính năng livestream mạng xã hội để đối thoại, tương tác trực tiếp đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa cơ quan quản lí với người dân, góp phần xóa tin giả, tin xấu độc trên môi trường mạng. Fanpage chính thức của Chính phủ trên Facebook “Thông tin Chính phủ” cũng là ví dụ tiêu biểu cho việc ứng dụng có hiệu quả mạng xã hội vào truyền thông chính sách. Với 4,1 triệu người theo dõi, trung bình mỗi bài đăng đạt khoảng hơn 2.000 lượt like và hàng trăm lượt bình luận, tương tác.

Bên cạnh việc hợp tác, khai thác tính năng của các mạng xã hội trong truyền thông chính sách, Việt Nam cũng triển khai đồng thời các biện pháp yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới hoạt động có trách nhiệm đối với người dùng và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Các biện pháp đang triển khai gồm: xây dựng các kênh phản ánh, report trực tiếp giữa các đơn vị chức năng với các nền tảng để kịp thời gỡ bỏ, chặn lọc các thông tin xấu độc, các kênh vi phạm; xây dựng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và Trung tâm Xử lí tin giả Việt Nam; xây dựng cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng nhằm trang bị kĩ năng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nhận biết, phát hiện, ứng phó và xử lí có hiệu quả với tin giả, tin xấu độc; thu thập bằng chứng, buộc các nền tảng có trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước Việt Nam và trả bản quyền nguồn tin cho các cơ quan báo chí, các trang trong nước…

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại. Trên hành trình đó, mỗi quốc gia đứng trước nhiều lựa chọn về cách tiếp cận, quan điểm, chính sách, thể chế. Lựa chọn của Việt Nam là chủ động, tích cực thúc đẩy chuyển đổi số với mục đích cuối cùng là phục vụ con người.

Thực hiện: 

Ban VHTT

Nguồn: 

Đảng Cộng sản

Viết bình luận

Xem thêm tin tức